Theo y học cổ truyền, xông hơi là một biện pháp trị "cảm phong hàn" hữu hiệu. Theo đó, xông hơi giúp đuổi tà khí xâm nhập vào các đường kinh lạc gây đau nhức cơ thể; làm giãn các mạch máu dưới da, giúp máu đến nuôi da nhiều hơn. Xông hơi còn sưởi ấm cơ thể, tinh dầu của lá xông sát trùng đường hô hấp trên, tạo cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi...
Xông hơi còn giúp cơ thể phân hủy một lượng mỡ nhất định để điều nhiệt. Vì vậy, những người có thực đơn ăn kiêng được khuyên kết hợp với xông hơi để giảm béo nhẹ nhàng mà da không bị nhăn.
Bạn có thể cho một số tinh dầu vào nồi hơi để thư giãn thông mũi, tạo cảm giác sảng khoái. Xông hơi làm thoáng lỗ chân lông trong vòng 10 phút với da nhờn và 3 phút cho da khô. Không nên để quá lâu, dễ gây phản tác dụng. Thậm chí khi chưa đến 10 phút, nếu bạn cảm thấy da bắt đầu bị đốt nóng hay hơi nước quá nóng, hãy dừng lại.
Nếu bạn có làn da khô, có thể nhỏ một ít tinh dầu hạnh nhân hay dầu tắm của trẻ em vào nước. Nếu là da hỗn hợp, thêm vào một ít cánh hoa hồng. Sau khi xông hơi, hãy dùng miếng cotton tròn nhẹ, mềm lau sạch các hạt nước bám trên mặt. Và nhớ là rửa mặt bằng nước lạnh sau khi xông hơi.
Một số chuyên gia làm đẹp khuyên nên xông hơi sau khi đã rửa sạch mặt một cách nhẹ nhàng và massage với tinh dầu. Một số khác lại khuyên rằng hãy xông hơi trước khi thực hiện các bước làm đẹp. Nếu bạn có làn da khô, hãy xông hơi sau khi bôi ít kem dưỡng thể trắng da kết hợp với massage nhẹ nhàng, làn da sẽ mịn, mềm và đỡ bị khô hơn. Sức nóng và hơi ẩm sẽ giúp kem dưỡng hoạt động tốt hơn và cũng tái thủy hợp làn da.
Hãy xông hơi kết hợp với xoa bóp da mặt vì hai lý do sau: Xông hơi giúp kem dưỡng da hấp thụ sâu vào làn da hơn. Nó còn giúp làm mềm các mụn đầu đen và đầu trắng vì vậy chúng rất dễ nặn ra.
Nếu vì bất kỳ một lý do nào đó, bạn cảm thấy da mình không thể xông hơi, hãy thử cách này xem sao: Lấy một ít nước ấm và thêm vào đó một ít thảo dược. Vò nhẹ khăn lau mặt trong nước này, vắt nhẹ sau đó phủ lên mặt và chờ cho đến khi nó lạnh.
Nếu bạn muốn kết hợp những lợi ích của xông hơi với việc chữa bệnh bằng thảo dược bằng cách xoa bóp dầu thơm, hãy để một ít hỗn hợp thảo dược trong một chén sạch. Rót vào đó một ít nước nóng nhưng đủ để không luộc chín hỗn hợp. Để mặt của bạn vào miệng chén khi hơi nước bốc lên, cảm nhận những thành phần và hương thơm của thảo dược phả vào da mặt bạn khi lỗ chân lông được nở ra.
Đừng sử dụng nước quá nóng vì nó có thể làm bay hơi những chất tinh dầu cần thiết và không còn tác dụng với da mặt bạn nữa. Thử sử dụng hương liệu chanh, vani hay những tinh dầu có mùi hoa oải hương. Những mùi hương này có tác dụng làm thư thái tinh thần rất tốt. Nếu da bạn nhờn hay là da thường, hãy thêm vào hai giọt bạc hà hay hai túi trà bạc hà. Nếu bạn có làn da khô hay da mẫn cảm, có thể sử dụng tinh dầu chamomile
Bạn nên xông hơi bao nhiêu lần? Có thể nửa tháng hay một tháng một lần tùy thuộc vào loại da. Nhưng nếu da của bạn khô hay nhạy cảm, nên cẩn thận kẻo dễ "bội thực" do xông hơi. Nếu da bạn quá nhạy cảm hay có những mạch máu lộ trên mặt thì không nên xông chút nào; vì khi hơi nóng làm giãn nở những mạch máu, nó có thể gây ra tình trạng xấu hơn.
Trong bất kỳ trường hợp nào, cách hay nhất là nên kiểm tra với các nhà tư vấn làm đẹp hay các bác sĩ da liễu. Họ sẽ cho biết bạn nên xông mặt mấy lần và liệu xông hơi có là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn hay không.
(Theo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét